Giới thiệu các hoạt động
Với mục tiêu dẫn dắt và đưa văn hóa đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào giáo dục, các hoạt động đào tạo, tập huấn trong khuôn khổ Dự án VIBE 2019.03 tập trung vào hai đối tượng chính: Giảng viên đại học, Giáo viên phổ thông, Cán bộ quản lý giáo dục và Sinh viên.
Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên các nghiên cứu mới nhất và các phương pháp tiếp cận thực tiễn quốc tế và trong nước. Các nội dung đào tạo được chọn lọc, tổng hợp từ chương trình do Học viên sáng tạo, Đại học Dublin, Ailen (Innovation Academy, University College Dublin – IA UCD) thiết kế và được biên soạn lại, cũng như cập nhật, bổ sung để phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và phù hợp với các đối tượng người học khác nhau.
Các khóa đào tạo được triển khai theo một hình thức hết sức mới mẻ, sáng tạo. Người học tiếp cận việc học một cách chủ động, được tham gia một loạt các thử thách, hoạt động và dự án lớn và nhỏ dưới các hình thức cá nhân, cặp, nhóm (các nhóm sẽ được thay đổi linh hoạt sau mỗi hoạt động). Sau mỗi thử thách, hoạt động, dự án được đưa ra trong quá trình đào tạo, người học sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm các phương pháp tiếp cận mới cũng như phát triển ý tưởng của riêng mình; có cơ hội tự chiêm nghiệm và cùng thảo luận để rút ra bài học và những hàm ý trong môi trường dạy và học. Các hoạt động cũng giúp tăng cường năng lực, trang bị kỹ năng và thúc đẩy tư duy đổi mới sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp ở người học. Đây là một trong những kỹ năng quan trọng và không thể thiếu trong hành trình vượt qua những thách thức và vận dụng những cơ hội để thành công trong công việc và cuộc sống.
Hoạt động đào tạo hướng tới hình thành cho người học khả năng thiết kế và trình bày về kinh nghiệm học tập theo cách riêng nhằm tạo ra tư duy sáng tạo trong một môi trường đa ngành; hiểu về sự tương ứng và tầm quan trọng của tư duy sáng tạo và cách áp dụng trong rất nhiều trường hợp để có kết quả như mong muốn; có khả năng sử dụng các công cụ và kỹ năng giải quyết vấn đề, hiểu được quy trình khởi phát và sử dụng các kỹ thuật sáng tạo trong khuôn khổ dự án; hiểu các nguyên tắc sư phạm chung trong bối cảnh tư duy đổi mới và sáng tạo; có kiến thức về các phương pháp và kỹ năng để khơi gợi tư duy sáng tạo; tham gia sâu hơn trong các quá trình sáng tạo và đổi mới từ một góc nhìn khác, đồng thời liên tục phát triển mạng lưới và xây dựng các kỹ năng thuyết trình và giao tiếp; có hiểu biết rộng hơn về hoạt động đổi mới sáng tạo và vai trò của nó trong bối cảnh dạy và học ...
Các khóa đào tạo dành cho cán bộ, giảng viên, giáo viên thường gồm 5 phần chính:
- Phần mở đầu: Đổi mới sáng tạo quan trọng đến mức nào? Đổi mới sáng tạo trong giáo dục: Bắt đầu từ đâu?
- Phần dẫn nhập: Tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Entrepreneurial mindset) là gì? Tại sao chúng ta cần trang bị tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
- Phần I: Nhà giáo dục sáng tạo “Nhìn nhận với đôi mắt mới mẻ”
- Phần II: Nhà giáo dục có tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “Thắp lửa”
- Phần III: Nhà giáo dục dẫn dắt “Định hình tương lai”
Các khóa đào tạo dành cho sinh viên thường gồm các phần chính sau:
- Phần mở đầu: Đổi mới sáng tạo quan trọng đến mức nào?
- Phần dẫn nhập: Tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Entrepreneurial mindset) là gì? Tại sao chúng ta cần trang bị tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?
- Phần 1: Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của bạn
- Phần 2: Khám phá sự sáng tạo tiềm ẩn bên trong bạn
- Phần 3: Tư duy thiết kế
- Phần 4: Khởi nghiệp hoặc Thiết kế cuộc đời
Những người đang có mong muốn kích hoạt tư duy, khám phá ngọn lửa sáng tạo và đam mê, đem lại sự mới mẻ cho bản thân, công việc và cuộc sống
Những người đang cảm thấy “bế tắc” và cần một “bộ công cụ” mới, sáng tạo và hiệu quả hơn giúp họ đổi mới phương pháp giảng dạy, qua đó phát triển và thành công hơn trong sự nghiệp.
Những người mong muốn thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm thu hút sự tham gia tích cực và nâng cao thành tích của người học, khơi gợi tinh thần sáng tạo và kích hoạt tư duy khởi nghiệp ở người học, giúp người học phát triển các kỹ năng và thành công trong thế kỷ 21
Những người mong muốn được kết nối và tham gia trong Cộng đồng các nhà giáo dục đổi mới sáng tạo.
Nguyên tắc - Giá trị
Các nguyên tắc:
- Đồng kiến tạo, cùng chia sẻ, học hỏi lẫn nhau
- Liên ngành và tư duy đa chiều
- Học thông qua thực hành
- Học từ sự lặp lại có chủ đích, học từ sự thất bại
- Học tập hiệu quả, chiêm nghiệm tích cực
Các giá trị:
- Tôn trọng tất cả
- Tiếp cận dự trên sự tin cậy
- Tân trọng sự đa dạng
- Cởi mở chia sẻ, không phán xét
- Tìm kiếm niềm vui trong học tập
- Khơi gợi sự tò mò và mong muốn tìm hiểu
- Tăng cường các kỹ năng (Kỹ năng tự tin sáng tạo, Kỹ năng lãnh đạo, Kỹ năng nhận diện và giải quyết vấn đề, Kỹ năng hợp tác, Kỹ năng làm việc nhóm, Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, Kỹ năng chiêm nghiệm, v.v)
Các chủ đề:
- Sáng tạo và đạt được các kết quả sáng tạo
- Nghệ thuật và khoa học của việc học
- Đổi mới sáng tạo trong giáo dục
- Tư duy khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo
- Tư duy thiết kế
- Thiết kế cuộc đời
Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo
01
Thiết kế linh hoạt để tạo cơ hội cho người học có thể tham gia “đồng xây dựng và sáng tạo” các nội dung
02
Môi trường học khác biệt, mới lạ, hấp dẫn và đầy tính thách thức (môi trường của sự sáng tạo, sự tò mò, khám phá, chấp nhận thử và sai)
03
Người học được khuyến khích, tạo động lực và tạo môi trường cởi mở, an toàn về mặt tâm lý để sẵn sàng chia sẻ, bước ra khỏi vùng an toàn và khám phá hết tiềm năng và sự sáng tạo tiềm ẩn bên trong mỗi người học
04
Học chủ động và tích cực thông qua những hoạt động, thử thách, trải nghiệm đa dạng, thú vị và đầy cảm xúc
05
Cơ hội phát triển tư duy đa chiều, liên ngành và toàn diện hơn thông qua các kết nối sâu, các hoạt động thảo luận, làm việc nhóm với các học viên có nền tảng, chuyên môn, kinh nghiệm khác nhau.
06
Hình thành cộng đồng thực hành, cùng đồng hành, khích lệ và hỗ trợ nhau trên con đường đổi mới sáng tạo
Đội ngũ giảng viên
Các khóa đào tạo được xây dựng và dẫn dắt bởi nhóm các Đại sứ đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và các thành viên khác của Cộng đồng các nhà giáo dục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN (Cộng đồng VNU VIBERS), với sự hợp tác chặt chẽ và cố vấn chuyên môn từ các chuyên gia hàng đầu của Học viện sáng tạo, Đại học Dublin, Ailen.
Những người tham gia xây dựng và hướng dẫn các hoạt động trong khuôn khổ dự án là các giảng viên có chuyên môn, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai các hoạt động đào tạo có liên quan trong và ngoài ĐHQGHN. Các VNU VIBERS đã tham gia khóa đào tạo “Nhà giáo dục có tư duy khởi nghiệp ĐMST – The Entrepreneurial Educators” tại Việt Nam và Ailen do các chuyên gia của IA-UCD hướng dẫn. Các VNU VIBERS cũng đã tham gia khóa đào tạo chuyên sâu “Đổi mới và sáng tạo trong giáo dục” cùng các đồng nghiệp Ailen và được cấp Bằng Diploma (tương đương trình độ Thạc sĩ) của Đại học Dublin về Đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
Các Đại sứ ĐMST cũng đều là các thành viên nòng cốt và tham gia tích cực trong thiết kế và triển khai các môn học mới, các khóa đào tạo có liên quan tại các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN (Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp, Tư duy sáng tạo và thiết kế ý tưởng, Tư duy sáng tạo, Tư duy thiết kế, Thiết kế cuộc đời đáng sống, v.v.).
Với thiết kế đặc biệt và linh hoạt một cách có chủ đích, các khóa đào tạo hướng đến việc tạo không gian cho người học chủ động tham gia và cùng kiến tạo nên các nội dung đào tạo. Tại đó, các giảng viên chỉ đóng vai trò như người hướng dẫn, điều phối và dẫn dắt các hoạt động, khuyến khích sự tham gia và thảo luận của người học, từ đó giúp người học tự tin sáng tạo, khơi gợi sự tò mò, ham học hỏi ở người học, giúp người học tự suy ngẫm, chiêm nghiệm và rút ra các bài học của riêng mình. Người học và giảng viên đều có nhiều cơ hội chia sẻ và học hỏi lẫn nhau trên hành trình dạy và học.
Cảm nhận
Bài học về giấy nhớ mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới về việc thảo luận và bảo vệ quan điểm của từng thành viên trong nhóm. Tôi thật sự bất ngờ với cách các thầy cô triển khai hoạt động này khi cho mọi người viết ra ý tưởng của mình thay vì trình bày miệng. Đây là một cách tuyệt vời để trao cơ hội, tăng cường sự tham gia của tất cả mọi người trong nhóm mà không lo sợ bị thành viên nào từ chối, hay áp đảo
Nguyễn Thị Diệu Hà
Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN
Nếu có một điều gì dễ nhìn thấy nhất ở VIBE, tôi chắc chắn đó chính là tinh thần làm việc nhóm luôn hừng hực. Gần như tất cả các buổi học, chúng tôi đều làm việc theo nhóm. Và đặc biệt là, mỗi buổi học, tôi lại làm việc với một nhóm khác. Bằng việc thay đổi nhóm liên tục, tôi đã được làm việc với rất nhiều anh chị từ các môi trường khác nhau, với tư duy và góc nhìn rất khác nhau, từ đó tôi có thể nảy ra rất nhiều ý tưởng mới
Đinh Thu Hiền
Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN
Tôi có thể áp dụng tất cả các bài học cho hoạt động giảng dạy ở cả bậc đại học và cao học
Ngô Vi Dũng
Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐHQGHN
Sự lặp lại có chủ ý cho các thử thách được triển khai trong khóa học là một điều dễ nhận thấy và thực sự đã chứng minh được hiệu quả của nó. Vì với mỗi lần lặp lại một quy trình, là mỗi lần chúng tôi lại mắc những sai lầm khác nhau. Và chủ ý của thầy cô khi cho chúng tôi lặp lại các quy trình thiết kế suy nghĩ là giúp chúng tôi nhận ra và khắc phục những sai lầm của mình, để sau đó tối đa hóa thành công của thử thách lớn nhất cuối cùng. Và qua đó, tôi cũng nhận thấy việc thiết kế thử thách đi từ dễ đến khó cũng là một việc đáng để tôi học tập khi áp dụng với sinh viên của tôi về sau này
Ngô Thị Minh Thu
Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN
VIBE đã thay đổi tôi theo rất nhiều cách khác nhau, một trong những điều đó là mong muốn thể hiện bản thân và dám dấn thân làm mới. Tôi không được nghe giảng nhiều, không được cung cấp rất nhiều các nền tảng lí thuyết về các cách làm này kia, mà các thầy cô VIBE đã tạo cho tôi những hoàn cảnh, bài tập để tôi dấn thân, thử nghiệm, những thử thách giúp tôi nhìn nhận lại các cách tiếp cận vấn đề. Tôi không còn chờ đợi tìm ra một giải pháp tối ưu, tôi tìm các giải pháp khách nhau, thử, sai và làm lại. Tôi thực sự yêu VIBE từ đó. Tôi có đủ dũng khí để bước khỏi vùng an toàn của bản thân
Nguyễn Thị Diệu Hà
Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN
Có một điều tôi rất ấn tượng ở VIBE đó là các thầy cô dạy rất ít, gần như chẳng thuyết giảng gì mấy, nhưng tôi học được rất nhiều. Ở VIBE, chúng tôi có rất nhiều cơ hội thực hành. Các thầy cô luôn để cho chúng tôi trải nghiệm trước rồi tự so sánh, phản ảnh về những trải nghiệm học tập và tự tìm ra những bài học cho mình. Tôi nghĩ đó là cách rất hay mà tôi sẽ xem xét tích hợp nhiều hơn trong các lớp học của mình
Đinh Thu Hiền
Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐHQGHN