Đại học Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo

16/06/2022

(BKTO) - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội đã tiên phong trong việc chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tiến tới hỗ trợ giáo dục ĐH cũng như ngành giáo dục cả nước đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào việc giảng dạy.

Trong tình hình dịch bệnh, năm học vừa qua, các trường, đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã áp dụng phương thức giảng dạy và học tập trực tuyến linh hoạt trong tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập; từ đó vừa hoàn thành kế hoạch năm học, vừa bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong giáo dục ĐH.
Đặc biệt, do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, năm học 2020-2021, ĐH Quốc gia Hà Nội và Mạng lưới các ĐH Đông Nam Á (AUN) đã thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA đối với 04 chương trình đào tạo bằng hình thức trực tuyến. “ĐH Quốc gia Hà Nội đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, học liệu dùng chung cho các cơ sở giáo dục ĐH trong cả nước. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên kiểm tra, đánh giá online” - đại diện ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, trong Dự thảo chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội giai đoạn 2021-2030, ĐH Quốc gia Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần xây dựng ĐH Quốc gia Hà Nội trở thành ĐH số hóa theo định hướng nghiên cứu. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội tập trung đầu tư phát triển các hệ thống phần mềm quản lý khoa học và công nghệ, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn.
Nhằm tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và tiến tới thực hiện mục tiêu chuyển đổi số hoàn toàn trong mọi hoạt động công tác, mới đây, ĐH Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có buổi làm việc thảo luận các cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và nền tảng công nghệ, hỗ trợ các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục phổ thông, đội ngũ giảng viên, giáo viên cả nước, đặc biệt các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa đang tiếp cận công nghệ đào tạo trực tuyến.
Theo đó, các nội dung hợp tác dựa trên thế mạnh và tiềm năng của mỗi bên trong thời gian tới chủ yếu tập trung vào giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tri thức.

Đồng thời phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên để tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số nền giáo dục, y tế quốc gia. Theo đó, VNPT hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số còn ĐH Quốc gia Hà Nội đảm nhiệm về mặt chuyên môn với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của các đơn vị đào tạo và nghiên cứu thành viên.
Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp triển khai bồi dưỡng giáo viên tiểu học, trung học cơ sở để đáp ứng chuẩn chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đảm bảo về mặt chuyên môn, nhân sự, còn VNPT hỗ trợ về mặt hạ tầng, kỹ thuật, đường truyền, an ninh mạng…
Ngoài ra, hai bên sẽ cùng chia sẻ và hỗ trợ về cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học ở ĐH Quốc gia Hà Nội (hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, mạng viễn thông…). VNPT cũng sẽ xem xét hỗ trợ chương trình phát triển ĐH số, ĐH thông minh ở ĐH Quốc gia Hà Nội